Họa sĩ Lê Đại Chúc: 'Đôi khi Thượng đế có tiếp sức cho tôi'

25/74 Nguyễn Bỉnh Khiêm P.Bến Nghé, Quận 1

Ngày đăng: 21/12/2020 - 03:34 PM

Lê Đại Chúc sinh năm 1944 tại Hải Phòng, trong một gia đình mà nội ngoại có hơn mười người làm nghệ thuật thành danh, với nhiều NSƯT, NSND.Tên của cha ông là nhà thơ - nhà viết kịch Lê Đại Thanh (1907-1996) được đặt cho một con đường ở Kiến An, Hải Phòng. Nhưng hơi khác gia đình, Lê Đại Chúc dường như chọn “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, ông đến với hội họa gần như tự học, tự đào tạo, nhưng đã ghi được dấu ấn riêng. Ngoài rất nhiều triển lãm nhóm, ông đã thực hiện cả chục triển lãm cá nhân tại Việt Nam và quốc tế, thành công ở cả khía cạnh chuyên môn và thương mại. Ngày 2.10 ông đã trở lại cùng giới thưởng lãm mỹ thuật TP.HCM bằng một triển lãm cá nhân tự do và thanh thoát.

Người Đô Thị có cuộc trò chuyện cùng họa sĩ Lê Đại Chúc về quan niệm sáng tạo, những điều làm nên một cá tính mỹ thuật hôm nay.

Xin được bắt đầu câu chuyện bằng một ý: Ông hiện tại đang thế nào trong sáng tạo?

Tôi cảm thấy mình đang dần dần đến với sự tự giải phóng, không muốn trụ vào bất cứ điều gì nữa. Những khuôn vàng thước ngọc, những thần tượng, những trường phái… tưởng là chân lý, thì thật ra cũng mong manh, dễ thay đổi lắm. Nếu so các điều ấy với nhịp điệu sự sống, nhịp điệu vũ trụ… thì chỉ là hạt bụi siêu nhỏ, chỉ là khoảnh khắc mà thôi.

Tôi cảm thấy nhiều khi con người như tự chặt đôi cánh tự do của mình để đóng khuôn vào các giáo điều, các định kiến nặng nề. Tôi đang vẽ về sự tự giải phóng của mình.

Họa sĩ Lê Đại Chúc. Ảnh: Hiền Hòa

Cảm giác về sự tự giải phóng này đến với ông rõ nét nhất từ khoảng bao lâu rồi?

Chắc khoảng 10 năm trở lại đây. Những bức tranh thuộc giai đoạn này có thể nói là muốn vẽ gì thì vẽ, vì vậy mà nó thanh thoát hơn, bay bổng hơn. Trước đây, khi vẽ, tôi còn nghĩ đến điều này điều kia, trong đó có cả ngôn ngữ, bút pháp, còn bây giờ tôi như nương theo năng lượng và sự dẫn dắt của cây cọ, ra gì thì ra, không muốn gò bó.

Vẽ như vậy, ông không sợ những người yêu tranh, sưu tập tranh trước đây của ông phật lòng sao?

Không. Bởi tôi đâu sinh ra để làm họa sĩ, và họa sĩ đâu phải muốn học là thành. Ngay từ đầu và cả bây giờ, tôi chỉ nghĩ vẽ là vẽ cho mình, thế thôi. Nhưng tôi tin, bất cứ điều gì trong cuộc sống, nếu đến bằng sự tự nhiên, chân thành thì sẽ có chia sẻ, tri âm.

Vậy bức tranh đầu tiên ông vẽ trong hoàn cảnh nào?

Tôi vẽ bức ấy khi Lê Vân (tức NSƯT Lê Vân ngày nay - PV) mới 5 tuổi, bây giờ Vân vẫn còn giữ, nghĩa là đã hơn 55 năm. Tôi nhớ mình lấy miếng ván trong cánh cửa rồi nghiền màu vẽ lên đó, đầy nhiệt huyết và tự do, nên không do dự hoặc lo nghĩ gì hết.

Sinh trong một gia đình với quá nhiều người làm nghệ thuật, ông lại mê vẽ từ nhỏ, vậy sao ông không đi học vẽ bài bản?

Vì bối cảnh lúc mà tôi thi đại học đang bị nặng nề chuyện lý lịch, cha tôi liên quan đến Nhân văn - Giai phẩm. Về sau, tôi thấy hết hứng với chuyện đi học đại học, chỉ hứng với việc vẽ.

Từ nhỏ tôi đã gần gũi với bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, học hỏi kiểu “cận tọa kinh” được rất nhiều điều. Rồi được họa sĩ Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái lưu lại trong nhà một thời gian dài, được xem các thầy vẽ, nghe các thầy chia sẻ về sáng tạo, tôi đã lĩnh hội được nhiều điều.

Khi có điều kiện đi lại, tôi lấy việc xem việc đọc làm việc học, có nước tôi ở vài tháng, dành phần lớn thời gian vào bảo tàng mỹ thuật nghiên cứu. 

Tác phẩm Nhớ con trai (acrylic trên toan, 108X81cm, 2019) của Lê Đại Chúc.

Sinh thời, họa sĩ Nguyễn Sáng nói với tôi rằng phần lớn các họa sĩ xuất thân từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ít có dịp xem tranh gốc của các danh họa, của người đi trước, chỉ xem qua sách báo, đó cũng là một thiệt thòi lớn. Trong việc chỉ dạy, bình luận về nghệ thuật nói chung, Nguyễn Sáng quyết liệt, Bùi Xuân Phái nhẹ nhàng, nhưng cả hai đều khuyên tôi hãy xem nhiều, đọc nhiều, nghĩ nhiều trước khi vẽ.

Tôi còn nhớ như in cảm giác lần đầu ra nước ngoài, vào bảo tàng mỹ thuật, đối diện với một kiệt tác, tôi lâng lâng như được gặp thần tiên, ma quỷ, nên đứng hàng giờ chiêm ngắm. 

Theo ông, xem tranh là xem như thế nào? 

Bỏ qua các lý thuyết và định kiến này kia, rốt cuộc, xem tranh vẫn là xem hồn phách của bức tranh. Hồn phách do hồn cốt quyết định, nó đến từ các xúc động thẩm mỹ, tạo cảm giác thăng hoa và năng lượng tích cực. Dostoyevsky nói “cái đẹp cứu rỗi thế giới”, tôi tin các tuyệt phẩm hội họa cũng vậy thôi.

Các tuyệt phẩm như ông nói có dễ có không?

Đương nhiên là rất ít rồi! Tôi tin rằng các tuyệt phẩm, các thiên tài là do Thượng đế ban cho 100% công lực, còn các tài năng thế gian khác thì thường chỉ được cho đôi ba chục % mà thôi. Việc học hỏi, nghiên cứu, rèn luyện… chỉ góp vài % vào thành quả chung đó.

Ông nghĩ mình được Thượng đế ban cho bao nhiêu phần trăm?

Đôi khi tôi được Thượng đế ban cho chừng 10 - 15%, còn lại thì ít hơn, chỉ chừng 5 - 7% thôi, như vậy đã thấy sảng khoái. Nhưng như đã nói ở trên, tôi không lấy đây làm lo lắng hoặc buồn, vì tôi nghĩ mình đã qua tuổi “tri thiên mệnh”, nên không cố để có được điều gì. Giờ tôi muốn vẽ như là vẽ mà thôi, càng ít vọng tưởng, vọng động càng tốt. Tôi đã hiểu thế nào là “chư hành vô thường”, là “chư pháp vô ngã”, cho nên trời cho chừng nào xài chừng ấy, không tôn sùng ai, cũng không vùi dập ai để làm lợi cho mình.

Nói như vậy, niềm tin hiện nay của ông là gì?

Tôi tin Thượng đế, Phật và Jesus, vì các ngài đều mang đến tình thương và sự từ bi, nhưng niềm tin của tôi không phải kiểu tín đồ. Tôi tin rằng nhân loại chỉ cần tình thương và sự từ bi là đủ viên mãn, đâu cần chạy theo những ganh đua, thị phi, giành giật, chém giết… 

Bộ ba tác phẩm mới của Lê Đại Chúc, nơi bộc lộ sự tự do, sự bay bổng

Một bức tranh ông vẽ cảnh đức Phật có mặt lúc Chúa Jesus chịu đóng đinh trên thánh giá, ẩn ý phía sau thế nào?

Xin được đứng ngoài khía cạnh tôn giáo để nghĩ rằng Thượng đế, Phật và Jesus chỉ là một, trong những hiện thể khác nhau, thời khắc khác nhau. Người sáng tạo nói chung, chỉ cần nói được về tình thương và sự từ bi, đã là quá đủ đầy rồi.

Lý luận mỹ học của ông hơi lạ nhỉ?

Đừng tìm lý luận nghệ thuật trong các sách lý luận về nghệ thuật, mà hãy tìm trong khoa học, tâm linh, siêu hình, và cả tình yêu thương. Một ví dụ: ngày nay khoa học đã nói về phản hạt, phản vật chất, bẽ cong thời gian…, vậy tại sao không vẽ về những điều này? Tất nhiên không phải vẽ kiểu minh họa, mà vẽ trong cảm hứng chung về những khám phá thẳm sâu về sự sống, về vũ trụ. Công thức của sáng tạo là sáng tạo + sáng tạo + sáng tạo + tự do tuyệt đối, mọi kinh nghiệm của sự quen tay đều chống lại sáng tạo.

Tôi nghĩ rằng phải giữ được sáng tạo, còn sáng tạo từ đâu, sáng tạo như thế nào thì không quan trọng, vì sáng tạo là tự hòa trộn mình vào trong dòng chảy sự sống, theo nghĩa rộng của từ này. Vẽ vừa là cách hiện thực hóa bản ngã, vừa là cách hòa trộn bản ngã - một tiểu vũ trụ - vào trong đại vũ trụ. 

Chắc chắn người làm sáng tạo nào cũng phải có sự tự tin, thậm chí một chút ảo vọng, thì mới mong dấn bước và tiếp bước được trên con đường nhọc nhằn đã chọn. Ông có nghĩ vậy không?

Tất nhiên, không những tự tin mà còn tự tôn, tự cao tự đại nữa, nhưng qua thời gian, tôi nhận ra tâm bình thường là đạo. Nên cứ muốn vẽ với tâm vô sở cầu và vô sở đắc, chẳng cần chọn lựa, né tránh. 

Nghĩa là đến bây giờ ông đã có một suy nghĩ khác về sứ mệnh của hội họa? 

Những gì mà thi ca bất lực thì nhạc không lời lên tiếng, nhưng khi nhạc không lời bất lực thì hội họa lên tiếng. Điều này vừa cho thấy đặc trưng của mỗi loại hình, vừa cho thấy sự liên thông, chia sẻ cùng nhau, tự trong điều này ẩn chứa điều khác, nên đừng ảo tưởng loại hình mà ta chọn là duy nhất, là hay nhất.

Lúc trẻ tôi cũng có suy nghĩ lối mòn rằng cầm kỳ thi họa là chuyện giải trí, là mua vui, nhưng đến một lúc, tôi nhận ra những nghệ sĩ đích thực là phương tiện truyền thông hữu hiệu của sự sống, của Thượng đế. Tôi chưa dám nghĩ mình đã là một phương tiện như vậy, nhưng chính điều này làm cho mình vô tư hơn, tự do hơn trong sáng tạo. Cho nên tự hào, kiêu ngạo là ngu ngốc, chỉ có sự yêu mến với sáng tạo mới giúp mình đi dài lâu trong sáng tạo.

Tác phẩm Chư pháp vô ngã (acrylic trên toan, 81X108cm, 2019)

Dường như sự tự do càng được chắp cánh nhiều hơn khi 10 năm gần đây ông chủ yếu chọn acrylic để vẽ?

Đúng vậy, chính đặc điểm rất cởi mở, mau khô của acrylic đã giúp tôi rất nhiều trong việc nắm bắt cảm xúc, bộc lộ sự tự do, sự bay bổng. Đành rằng vật liệu chỉ là phương tiện, nhưng tùy tâm trạng mà thấy phù hợp với vật liệu nào hơn. Tôi từng vẽ hàng ngàn bức sơn dầu, cũng đầy hứng thú, giờ bước qua acrylic, lại thấy hứng thú khác.

Trở lại với loạt tranh mới sẽ triển lãm tới đây, vì sao ông có chủ ý xóa nhòa các ranh giới và ngôn ngữ, bút pháp?

Tôi không có chủ ý làm việc đó, mà chỉ muốn vẽ một cách thư thái, tự do nhất có thể, có bút pháp hay không có bút pháp cũng không quan trọng.

Ông nghĩ người xem sẽ tìm thấy điều gì về hồn phách trong các bức tranh mới này?

Tôi nghĩ đó là tinh thần tự do một cách tự nhiên. Tôi đã kinh qua nhiều tìm tòi về vật liệu và ngôn ngữ, giờ tôi không băn khoăn tìm tòi nữa, cứ vẽ và vẽ mà thôi.

Copyright © 2020 Peony&Iris - Art Gallery - Design by : nina.vn

Zalo
Hotline