Họa sĩ Dương Văn Thành và phút trải lòng cùng báo Thanh Niên

25/74 Nguyễn Bỉnh Khiêm P.Bến Nghé, Quận 1

Ngày đăng: 06/05/2021 - 10:36 PM

Thưa bà, bước ngoặt nào đã đưa một cô bé tỉnh lẻ ở miền Trung lại có điều kiện ra Hà Nội học tại Trường Mỹ thuật VN danh giá?

Tôi may mắn gặp GS - nhà điêu khắc Diệp Minh Châu khi ông đến thăm trường và nói chuyện với học sinh. Nếu gọi đó là bước ngoặt cũng đúng nhưng với Văn Dương Thành thì... định mệnh có lẽ chính xác hơn.

Hồi ấy, khi tôi còn bé, bố tôi được điều ra Hà Nội làm việc. Ông mang tôi và cả nhà đi theo. Nhờ vậy mà đời tôi đã có đúng 2 năm được sống trọn vẹn trong vòng tay gia đình.

Trở lại chuyện học, hôm ấy họa sĩ Diệp Minh Châu nghe cô giáo nói trong lớp tôi có bạn Thành vẽ đẹp lắm nên ông có đưa giấy bút cho tôi thử, rồi mang bản thảo ấy về cho Ban Giám hiệu Trường ĐH Mỹ thuật VN xem. Ai ngờ 1 năm sau thì tôi nhận giấy báo đi học. Lúc ấy, ba tôi đã mất nên thấy gia cảnh “mẹ góa con côi” của mẹ tôi, cô hiệu trưởng đã đến hỏi ý kiến mẹ tôi, rằng: “Hơn 600 em nhưng chỉ có Thành được chọn vào trường mỹ thuật danh giá như thế, chị đồng ý không vì 12 năm học là rất dài?”. Mẹ rất yêu bố nên không cần suy nghĩ nhiều, bà nói luôn: “Ba cháu rất thích cho cháu vẽ nên nếu Thành thích thì cho theo học ngay”. Tôi đã nhảy cẫng lên vì sung sướng, như muốn hét to trước quyết định quá phi thường của mẹ.

Nhưng vào giai đoạn đi học thì mới... ngã ngửa ra vì tôi lúc ấy mới có 11 tuổi, lại chưa bao giờ qua trường lớp thì tôi đâu có biết gì về sơn mài, ký họa, hình học... là gì đâu. Danh họa Trần Văn Cẩn, thầy hiệu trưởng lúc đó đã duyệt cho tôi và Ca Lê Thắng (con trai nhà trí thức yêu nước Ca Văn Thỉnh)... đặc cách, không phải qua thi tuyển. Tôi như “con nai vàng ngơ ngác” giữa trường Tây, trên bục giảng toàn là những tên tuổi của Đông Dương: Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Lương Xuân Nhị, Trần Đình Thọ, Nguyễn Văn Tỵ... Nghĩ đến người cha đã khuất và yêu mẹ, tôi cố gắng học tập tốt các ngày trong tuần, kể cả chủ nhật cũng ngồi vẽ.

Từ cô bé chân đất, nhà chưa có bữa cơm no đúng nghĩa, tôi tập làm quen dần với cách đặt màu chồng lên nhau, rồi tốc độ - độ lướt của nét bút sao cho chuẩn xác, cách thể hiện chất xốp của nhung, lụa, tóc, hay chất bóng của da người, cách bóng đổ... Sau một năm, tôi đã được các thầy mang tác phẩm ra làm bài giảng trên lớp cho các anh chị lớp trên khiến tôi quá đỗi vui sướng.

Bà cũng từng đi sơ tán. Nghe nói rằng, Văn Dương Thành cũng như nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn đã phải trải nghiệm thực tế rất vất vả, thậm chí suýt mất mạng?

 

Tôi học mỹ thuật phải ở nội trú nên có lúc trường sơ tán về Hà Bắc. Ngày đó đất nước còn khó khăn, chiến tranh ác liệt nên mọi người ai cũng trải qua những năm tháng thiếu thốn. Trong khi yêu cầu đặt ra khi đó, người nghệ sĩ muốn có tác phẩm tốt thì phải qua trải nghiệm nhiều nên trong 3 năm ròng, tôi sống ở vùng nông thôn Hà Bắc, đi tát nước, cấy lúa, giã gạo, ăn ngủ cùng người nông dân. Nhà ở không có cửa nên mùa đông gió lùa vào phên, tôi nằm trên khạp tre nghe lạnh ngắt cả xương sống.

Cơ thể không khỏe lắm, tôi thường xuyên bị ho hen hành hạ, xương khớp đau nhức khắp mình mẩy. Đặng Thái Sơn khi ấy không ngon lành gì hơn tôi. Anh ấy cũng tay cuốc, tay xẻng lao động hăng say. Trong một lần về thực tế ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), lúc đang đứng vẽ tôi còn bị máy bay thả bom tưởng suýt mất mạng...

Dù vậy, cô Vũ Giáng Hương và thầy Trần Văn Cẩn ở trường vẫn cứ nhắc nhở: “Làm nghệ thuật không có con đường nào khác là phải lao vào cuộc sống thì tranh mới có nhiều xúc cảm”. Tôi vất vả quá, khóc dữ lắm nhưng nếu không vượt qua thì làm sao trở thành họa sĩ chuyên nghiệp như mơ ước, lại cố... Vì quá khổ nên lớp tôi 30 - 40 học sinh vào, chỉ có 12 người trụ vững mới đỗ tốt nghiệp. Sau này, thấy vốn ngoại ngữ còn ít nên tôi xin vào “dùi mài kinh sử” tiếp ở Khoa Anh Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Tốt nghiệp loại giỏi, tôi về công tác ở Viện Nghiên cứu văn hóa (Bộ Văn hóa), trước khi qua Thụy Điển học tiếp và ở lại đó giảng dạy. Nhưng dù ở đâu, tôi vẫn luôn là người VN như họa sĩ Trọng Kiệm đã viết cho tôi, được duyên dáng mặc chiếc áo dài truyền thống mỗi khi tham gia các sự kiện lớn có nhiều nguyên thủ quốc gia và đặc biệt là hạnh phúc khi tranh liên tục được 16 viện bảo tàng nghệ thuật quốc gia trên thế giới sưu tập ...

Link bài viết báo Thanh Niên : https://m.thanhnien.vn/van-hoa/hoa-si-van-duong-thanh-tranh-toi-luon-co-niem-dau-noi-buon-va-su-manh-me-1370711.html?fbclid=IwAR1zJ1zorOa1nsBPJTF5TDpX13h4BrFi6aPgJKTA7qEbegwBVV_rJJdqq1o

 

 

Copyright © 2020 Peony&Iris - Art Gallery - Design by : nina.vn

Zalo
Hotline